HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TẠO ĐỆM LÓT SINH HỌC TRONG CHĂN NUÔI

16 Sep, 2020 - Dịch vụ , Tin tức

1. Đặc điểm của đệm lót sinh học

Đệm lót sinh học là hỗn hợp giữa chất độn (trấu, mạt cưa ...) và men vi sinh hữu ích được dùng để lót nền chuồng trong chăn nuôi. Các vi sinh vật trong đệm lót sẽ phân giải phân, nước tiểu do vật nuôi thải ra và một phần chất độn, nhờ đó hạn chế sinh khí hôi, thối; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ vi sinh vật có hại. Sau mỗi vụ nuôi, lớp đệm lót sinh học với một lượng lớn các vi sinh vật hữu ích và phân vật nuôi đã hoai mục có thể tận dụng làm nguồn phân bón hữu cơ vi sinh rất hiệu quả.
Có nhiều nguyên liệu có thể sử dụng làm chất độn, song cần chọn những loại nguyên liệu đảm bảo các yêu cầu sau:
- Có độ cứng tương đối, không dễ bị phân hủy.
- Có kích thước nhỏ và tương đối đồng đều, không dễ bị đóng cục.
- Có tính năng hút nước tương đối và không dễ bị nhiễm nấm mốc.
- Không độc, không gây kích thích.
- Có một lượng chất dinh dưỡng nhất định.
Do vậy, nguyên liệu làm chất độn thường được sử dụng là 100% mạt cưa (từ các loại gỗ cứng, kích thước từ 5-10mm) hoặc 50% mạt cưa + 50% trấu.
 
          Sản phẩm men vi sinh hữu ích được sử dụng phổ biến hiện nay trong làm đệm lót hiện nay là chế phẩm EM Pro-1 phối hợp với EM Fert-1 do Công ty cổ phần kỹ thuật Sao Mai sản xuất.

2. Lợi ích của việc sử dụng đệm lót sinh học
Đệm lót sinh học là công nghệ mới trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ này sẽ mang lại những lợi ích sau đây:
- Làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các chất thải được phân giải, từ đó mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt không ô nhiễm.
- Không cần thu phân và rửa chuồng trong quá trình nuôi do đó giảm nhân công, đồng thời tiết kiệm được 80% nước do hoàn toàn không phải tắm hay rửa chuồng cho vật nuôi.
- Giảm tỷ lệ bệnh, đặc biệt là các bệnh đường ruột. Vật nuôi được nuôi trên đệm lót sẽ khỏe mạnh, đồng đều, không bị thối bàn chân, không bị què chân, lông da bóng mượt và sạch.
- Tăng chất lượng đàn vật nuôi và chất lượng của sản phẩm nhờ khi vật nuôi ăn men vi sinh từ đệm lót sẽ giúp tiêu hóa tốt thức ăn, làm tăng khả năng hấp thu axit amin, qua đó tăng độ mềm, thơm ngon, vị ngọt tự nhiên cho thịt vật nuôi so với chăn nuôi thông thường.
- Tận dụng làm nguồn phân bón hữu cơ vi sinh sau mỗi vụ chăn nuôi nhờ mật độ vi sinh vật hữu ích dồi dào cùng với lượng phân vật nuôi đã hoại mục dưới tác dụng của hệ vi sinh vật.

3. Yêu cầu về chuồng trại khi tạo đệm lót sinh học
- Chuồng bố trí nơi cao ráo, không bị ngập lụt; kiểu chuồng hở, đảm bảo diện tích 1,4 – 1,6m2/con. Vật liệu làm tường bao, tường ngăn, mái tùy điều kiện cụ thể của hộ chăn nuôi.
- Với chuồng xây mới, nền chuồng đất nện chặt. Nếu sử dụng chuồng cũ cải tạo lại thì nền xi măng giữ nguyên nhưng phải đục lỗ, mỗi lỗ 4cm, khoảng cách giữa 2 lỗ 30cm.
- Nền chuồng phải cao hơn so với mực nước ở bên ngoài để đảm bảo đệm lót luôn khô ráo, không bị ngấm nước từ bên ngoài vào làm hỏng.
- Với chuồng nuôi từ 8 con trở lên, máng ăn và vòi nước tự động đặt ở 2 phía đối nhau để giúp vật nuôi tăng sự vận động làm đảo trộn chất độn có lợi cho sự lên men.
- Máng ăn cao hơn mặt đệm lót khoảng 20cm để tránh chất độn rơi vào thức ăn. Phía dưới vòi uống nước tự động cần có máng để thu nước thừa đưa ra ngoài chuồng nhằm tránh nước chảy vào đệm lót.
- Những hộ chăn nuôi quy mô lớn cần có hệ thống phun nước làm mát và giữ độ ẩm đệm lót.


 

4. Cách tạo đệm lót sinh học
4.1. Cách bố trí và độ dày đệm lót

* Cách bố trí đệm lót
Tùy theo điều kiện chuồng nuôi (xây mới hay cải tạo chuồng cũ, độ cao của nền so với mực nước ngoài ...), có thể bố trí đệm lót dưới dạng:
- Loại đệm lót dưới mặt đất: Đào sâu xuống dưới đất đạt độ sâu bằng độ dầy của đệm lót;
- Loại đệm lót nổi trên mặt đất: Xây cao tường bao với chiều cao cao hơn một chút so với độ dầy của đệm lót;
- Loại đệm lót nửa dưới mặt đất: Đào xuống dưới đất chỉ cần độ sâu bằng một nửa của độ dầy đệm lót.
* Độ dày đệm lót chuồng
Mùa hè mỏng mùa đông dày, thông thường độ dày của đệm lót là 40-50cm (mùa hè) và 60-80cm (mùa đông).
- Độ dày của đệm lót thường giảm thấp do bị nén sau khi nuôi một thời gian nên khi làm mới thường người ta tăng thêm độ dày lên 20%.
- Vào mùa hè nhiệt độ thường ở khoảng 30oC, thì chỉ cần thiết kế độ dày đệm lót ban đầu 40cm để tránh sự lên men quá mạnh tăng nhiệt lớn ảnh hưởng đến heo, sau này sang mùa thu đông sẽ tăng thêm chất độn để đạt độ dầy cần thiết.
4.2. Thành phần, tỉ lệ nguyên liệu làm đệm lót (tính cho chuồng 10m2, độ dày 60cm)
- Chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ:
+ Chất độn: 100% mạt cưa hoặc (50% trấu + 50% mạt cưa): 0,8-1 tấn
+ Chế phẩm vi sinh EM Pro-1: 1kg, EM Fert-1: 1 kg
+ Bột bắp, cám gạo, mật rỉ đường
+ Xô, thùng, chậu nhựa, bình ô doa, cào răng cưa, bạt ni lông
- Cách tạo 100 lít dịch men vi sinh EM Pro-1 hoạt hoá: Cho 1 lít chế phẩm EM Pro-1, 1kg bột bắp, 1 kg cám gạo và 2 lít mật rỉ đường vào thùng, thêm nước sạch cho đủ 100 lít, khuấy đều. Thùng được đậy kín để tránh côn trùng. Định kỳ đảo trộn đều hoặc dùng máy thổi khí sục khí liên tục vào thùng tạo điều kiện cho vi sinh vật hoạt động tăng trưởng. Thời gian hoạt hoá khoảng 48 giờ trước khi sử dụng.
- Cách hoạt hoá men vi sinh EM Fert-1: trộn đều 1 kg men vi sinh EM Fert-1 với 1 kg bột bắp, 5 kg cám gạo và 0,5 kg mật rỉ đường, bổ sung nước để tạo độ ẩm khoảng 60-70% (nắm bột bằng tay vào khi bỏ ra bột không bị rời ra). Hỗn hợp được ủ trong thời gian 48 giờ trước khi sử dụng.
- Các bước tiến hành tạo đệm lót:
Bước 1: Rải lớp chất độn (mạt cưa hay là mạt cưa trộn với trấu) dày 20cm. Tưới khoảng 50 lít dịch men EM Pro-1 đã hoạt hoá ở trên. Kiểm tra độ ẩm nếu vẫn còn khô thì phun thêm nước sạch. Rắc đều 2/3 số men vi sinh EM Fert-1 đã hoạt hoálên trên bề mặt, dùng tay xoa cho đều. Độ ẩm ở lớp dưới cùng khoảng 40% (kiểm tra bằng cách bốc một nắm chất độn và bóp chặt không thấy nước rỉ ra làm ướt tay).
Bước 2: Rải tiếp 20cm chất độn (mạt cưa hay là mạt cưa trộn với trấu). Tưới dịch men EM Pro-1 đã hoạt hoá (30-35 lít) đều lên bề mặt, nếu chưa đủ ẩm thì phun thêm nước sạch cho vừa đủ. Rắc số men vi sinh EM Fert-1 còn lại lên trên, dùng tay xoa cho đều. Độ ẩm lớp thứ hai khoảng 30-40%.
Bước 3: Lớp trên cùng 20cm nhất thiết phải là lớp mạt cưa. Sau khi tưới số dịch men EM Pro-1 còn lại (khoảng 15-20 lít), nếu chưa đủ ẩm thì thì phun thêm nước sạch đều lên trên mặt, dùng cào đảo để cho mạt cưa ẩm đều đến khi đạt độ ẩm khoảng 20% (mạt cưa thấm nước trở nên sẫm mầu, lấy một nắm mạt cưa bóp mạnh có cảm giác nước hơi thấm ướt ra tay nhưng hạt mạt cưa vẫn tơi rời). Làm phẳng đều toàn bộ bề mặt lớp mạt cưa.
Bước 4: Đậy kín toàn bộ bề mặt bằng bạt hoặc bằng ni-lon. Nếu nhiệt độ bên ngoài quá cao có thể không cần che phủ. Sau khi lên men kết thúc bỏ bạt phủ, cào cho lớp bề mặt (sâu khoảng 20 cm) cho tơi, để thông khí sau 1 ngày mới thả vật nuôi.
4.3. Một số lưu ý
- Khi rải men vi sinh EM Fert-1, chú ý rải các góc chuồng và rìa tường ở cuối chuồng nơi có thể tập trung nhiều phân.
- Với đệm lót dày 50 cm cũng có thể làm 2 lớp, mỗi lớp dày 25 cm. Lượng nguyên liệu và dịch men không thay đổi.
- Mùa mưa sau khi làm xong đệm lót có thể thả gia cầm vào ngay nhằm tận dụng nhiệt độ của gia cầm để làm tăng lên men. 

5. Quản lý và bảo dưỡng đệm lót
5.1. Quản lý đệm lót

a. Phải đảm bảo độ ẩm của đệm lót: Tầng trên cùng luôn giữ độ ẩm ở 20% để đảm bảo cho sự lên men tiêu hủy phân tốt. Với độ ẩm này gia cầm sống thoải mái, da và lông được bảo vệ tốt. Để đảm bảo cho tầng trên đệm lót không khô hoặc ẩm quá cần:
- Không để nước mưa hắt vào chuồng và nước từ vòi uống làm ướt đệm lót; 
- Khi đệm lót bị ướt cần bổ sung chất độn lót khô;
- Khi thấy đệm lót bị khô cần phun ẩm bằng vòi phun sương. 
b. Phải đảm bảo độ tơi xốp của đệm lót: Đệm lót có tơi xốp thì sự tiêu hủy phân mới nhanh do vậy hàng ngày phải chú ý xới tơi đệm lót sâu 15 cm, đặc biệt ở chỗ đệm lót có hiện tượng kết tảng. Việc xới tơi đệm lót rất quan trọng, nó giúp cho đệm lót thông thoáng, vi sinh vật hoạt động tốt. Đặc biệt, việc xới tơi đệm lót giúp phân tán bớt nhiệt trong quá trình lên men làm giảm nhiệt độ bề mặt của đệm lót trong mùa hè.
c. Phải phân tán phân ra toàn bộ chuồng: Phân tập trung một chỗ không những sẽ gây mùi thối do vi sinh vật phân giải chậm, mà còn xảy ra tình trạng ruồi tập trung đẻ trứng. Vì thế:
- Khi phát hiện phân nhiều ở một chỗ cần phải thực hiện vùi lấp ngay hoặc cào trải ra toàn bộ đệm lót.
- Nếu lượng phân quá nhiều, không được phân giải hết có thể mang đi.
5.2. Bảo dưỡng đệm lót
- Khi thấy có mùi của nguyên liệu kèm mùi của phân lên men, không có mùi thối là đệm lót đang hoạt động tốt.
- Nếu thấy còn phân và mùi thối là lên men không tốt, tùy trường hợp có biện pháp xử lý phù hợp:
+ Nếu đệm lót có kết tảng và độ ẩm cao cần phải sới tung đệm lót ở độ dầy 15 cm để cho tơi xốp, sau đó bổ sung thêm dịch men; 
+ Trường hợp do gia cầm, gia súc nuôi mật độ cao, lượng phân nhiều thì cần điều chỉnh mật độ nuôi cho phù hợp;
+ Vào mùa mưa hoặc thời tiết lạnh nên bổ sung thêm chất độn đảm bảo độ dầy đệm lót.
+ Với đệm lót cũ, lực phân giải giảm cần thay thế bằng đệm lót mới, có thể thay toàn bộ hoặc một phần (thay lớp mặt).
- Sau 1 - 2 đợt nuôi nếu đệm lót bị sụt giảm thì bổ sung thêm 5 - 10% chất độn và chế phẩm men.